Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu

Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu

Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu. Thơ là tiếng nói cảm xúc. Muốn có thơ hay trước hết nhà thơ phải có cảm xúc sâu sắc về đối tượng viết. Bác Hồ là một hình tượng tuyệt vời để các nhà thơ bộc lộ cảm xúc của mình một cách nghệ thuật nhất. Tố Hữu là một trong những nhà thơ viết nhiều và viết hay về Bác Hồ

Ở bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ xin tìm hiểu hình tượng Hồ Chí Minh được nhà thơ tiếp cận và xây dựng bằng nét thi pháp nào với cách thể hiện cảm xúc ra sao và cũng xin giới hạn phạm vi khảo sát trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Vấn đề này đã có rất nhiều người nghiên cứu nhưng hầu hết đều đi theo hướng xã hội học tìm hiểu nhà thơ ca ngợi Bác với những phẩm chất anh hùng và cách sống, lối sống bình thường, giản dị… Không phủ nhận hướng tiếp cận ấy nhưng chúng tôi muốn đi theo một lối riêng mong muốn có thể tìm ra một điều gì đó mới mẻ.

Theo chúng tôi thì làm thơ cũng là một cách giao tiếp, giao tiếp với cuộc sống, với con người và có khi giao tiếp với chính mình (mà hình thức nhật ký là minh chứng rõ nhất cho sự giao tiếp này). Trong lý thuyết giao tiếp người ta rất coi trọng vai giao tiếp .Ý thức được vai giao tiếp sẽ quy định nội dung, cách thức và cả đích giao tiếp. Lý thuyết giao tiếp này đã ảnh hưởng không nhỏ tới nghiên cứu, phê bình văn học mà bằng chứng là xuất hiện một loạt thuật ngữ: điểm nhìn trần thuật, điểm nhìn trữ tình, trữ tình nhập vai…, xét đến cùng cũng có nguồn gốc từ lý thuyết giao tiếp. Trong bài viết này chúng tôi cố gắng tìm hiểu vấn đề nghiên cứu bằng khái niệm công cụ:điểm nhìn trữ tình.

Bài thơ Bà mẹ Việt Bắc có điểm nhìn trữ tình tối ưu là điểm nhìn của bà mẹ bởi kể về cuộc sống của người dân Việt Bắc thì chân thực nhất phải là lời kể của người dân Việt Bắc: Đêm nay trên sàn/ Bập bùng ngọn lửa/ Mé kể nguồn cơn/ Chuyện nhà chuyện cửa… Và kể hay nhất, đúng nhất phải là người mẹ vì trong cuộc sống ai tần tảo, vất vả, ai là người chăm lo cuộc sống gia đình, ai là người giàu tình yêu thương hơn người mẹ . Lời bài thơ là lời người mẹ. Mẹ kể tiếp: Tưởng rồi chết tất/ Biết đâu có ngày/ Trời còn có mắt/ Cụ Hồ về ngay… Cụ Hồ mở nước/ Chia thóc cho dân/ Tôi cũng lĩnh được/ Tôi cũng có phần…. Đừng đi tìm cái hay của câu chữ ở đây bởi vì nó thực sự không phải ngôn từ có cánh bay bổng nhờ những thủ pháp tân kỳ mà chỉ là lời kể của người mẹ có khi còn chưa biết chữ. Nhưng cảm động , cảm động nhờ đó là lời của người mẹ với sự mộc mạc, nhất là đúng với thực tế. Cả đất nước đang đắm chìm trong nô lệ, chỉ với sự kiện cơn đói 1945 mà chết hơn 2 triệu người Tưởng rồi chết tất nhưng nhờ có Cụ Hồ mà cả dân tộc này sống lại. Cụ Hồ vừa là người mở nước cũng là người cứu dân Chia thóc cho dân, đến người mé tận Việt Bắc xa xôi cũng có phần. Chỉ giản dị thế thôi, chỉ là lời kể nhưng thấm thía, sâu nặng, ân tình.

Khổ cuối bài thơ Bài ca tháng Mười như sau:
Hoan hô Hồ Chí Minh
Cây hải đăng mặt biển
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ kháng chiến
Ca ngợi Hồ Chí Minh là cây hải đăng mặt biển là một ẩn dụ chính xác vì đã nói được tầm vĩ đại soi đường chỉ lối cho con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bão tố để cập bến vinh quang. Nhưng nhà thơ đứng ở vị trí nào để ca ngợi? Nếu đứng ở điểm nhìn cá nhân tác giả thì quả thật không tương xứng, phải là một vị trí khác, và nhà thơ đã tìm đúng. Đoạn thơ sau nói rõ hơn điều ấy: Ơi người Anh dũng cảm/ Luỹ thép sáng ngời ngời/ Đây Việt Nam Tháng Tám/ Em Liên- xô Tháng Mười. Như vậy chủ thể bài thơ là Việt Nam, cách mạng Việt Nam ca ngợi Cách Mạng Tháng Mười. Cách mạng Việt Nam là em của Cách mạng Tháng Mười. Điểm nhìn trữ tình của bài thơ là điểm nhìn của Cách mạng Tháng Tám, từ điểm nhìn này để ca ngợi Liên Xô, ca ngợi Bác Hồ rõ ràng có sức thuyết phục hơn.

Trong bài Sáng tháng Năm thì đó là lời của nhà thơ, của tác giả Tố Hữu, là lời của một đứa con nói về người cha. Chỉ từ điểm nhìn này thì nhà thơ mới nói được một cách cụ thể nhất sự gần gũi chân tình, tình cảm ấm áp bao la của Bác. Thế cho nên không ngẫu nhiên mở đầu bài thơ tác giả đã bộc lộ vai giao tiếp: Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ. Tác giả xưng con với Bác và dùng từ kêu dân dã, giản dị hết sức quen thuộc với mọi người. Giả sử thay bằng một từ khác thì sắc thái biểu cảm sẽ mất đi rất nhiều, từ gọi thì mang tính mệnh lệnh, từ mời thì lại quan cách xa xôi quá. Điểm nhìn đứa con mới cho phép sự gần gũi như không có khoảng cách, để viết những câu thơ:
Bác Hồ, cha của chúng con
Hồn của muôn hồn
Cho con được ôm hôn má Bác
Cho con hôn mái đầu tóc bạc
Hôn chòm râu mát rượi hoà bình

Đóng vai giao tiếp là một đứa con ở bên một người cha nên những câu thơ sau mới không sáo, trái lại rất đúng với thực tế: Ta bên Người, Người toả sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút. Bài thơ đã đứng rất vững nhờ được tựa vào cặp hình tượng cha- con luôn bên nhau, quấn quýt. Nhờ được ở bên cạnh cha mà đứa con mới cảm thấy ấm lòng, yên tâm, và nhất là được tiếp thêm niềm tin, tình yêu, được mở mang thêm trí tuệ: Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh/ Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!/ Giọng của Người, không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…

Bài thơ Việt Bắc được tác giả hoàn thành vào tháng 10/1954 có thể coi là một bản tổng kết bằng thơ cuộc kháng chiến chống Pháp. Người ta đã bàn nhiều về cái hay của nó thể hiện ở tính nhân dân sâu sắc, tính dân tộc đậm đà. Dĩ nhiên, tôi chỉ bàn về điểm nhìn trữ tình. Bài thơ có hai điểm nhìn, một là của Việt Bắc, một là của người cán bộ, khi thì nhìn vào nhau (đối thoại hay đối đáp theo kiểu giao duyên truyền thống), khi nhập vào nhau cùng nhìn về một hướng(tạo thành lời đồng vọng ở cuối bài). Miêu tả Bác Hồ là từ điểm nhìn của Việt Bắc: Mình về với Bác đường xuôi/ Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người/ Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/ áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!… Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi, rừng núi trông theo bóng Người… Tại sao lại từ điểm nhìn Việt Bắc mà không từ điểm nhìn người cán bộ? Đây thuộc một quy luật tâm lý thông thường: Bác Hồ và người cán bộ sẽ tạm biệt Việt Bắc để về xuôi, cái bịn rịn, cái lưu luyến chỉ diễn ra trong tâm trạng người đi, người ở, do vậy phải là lời Việt Bắc mới nói đúng đươc, nói một cách tình cảm nhất về nỗi nhớ Bác Hồ( chú ý có 4 từ nhớ trong 8 câu thơ, nỗi nhớ dồn lại trong hai chữ trông theo diễn tả rất hay tâm trạng lưu luyến, nuối tiếc…).